Nhắc đến doanh nhân, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh của những người sở hữu nhiều tiền bạc, luôn bận rộn tối ngày vì công việc. Nhưng thực tế, có những doanh nhân đã đạt được thành công, hạnh phúc chân chính nhờ việc ứng dụng thành công Phật pháp trong kinh doanh và cuộc sống.
Anh Ninh Việt Tú – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp và Bảo dưỡng Cơ điện VNK Hà Nội, một doanh nhân đã và đang ứng dụng Phật pháp trong kinh doanh đã chia sẻ một cách nhìn sâu sắc của thành công, hạnh phúc này qua phỏng vấn dưới đây.
Anh Ninh Việt Tú (thứ 3 từ phải sang) trong chương trình Định hướng tương tai của Đại học công nghiệp Hà Nội tháng 1/2013
- Thưa anh, có quan niệm cho rằng: văn hóa Đạo Phật có những giá trị gần như trùng khớp với văn hóa kinh doanh. Anh đánh giá như thế nào về luận điểm này?
Có thể nói, triết lý đạo Phật là triết lý bao trùm của vũ trụ nên nó hàm chứa trong đó cả triết lý sống và triết lý kinh doanh chân chính. Những người kinh doanh chân chính đều hiểu về luật Nhân - Quả. Vì thế họ cố gắng vun đắp và gieo trồng những nhân tốt để cho quả ngọt như phục vụ nhiệt tình, hết mình đến khách hàng. Cho nên, những doanh nhân biết áp dụng triết lý đạo Phật sẽ có được sự phát triển bền vững.
- Cơ duyên nào đã giúp anh tìm đến với đạo Phật và ứng dụng những triết lý của nhà Phật trong công việc kinh doanh của mình?
Tôi tình cờ được một người bạn tặng cho cuốn sách “Vô Ngã, Vô ưu” rồi sau đó tham dự khóa thiền 10 ngày (Thiền Nguyên Thủy – Vipassana) và tôi thấy được đây chính là con đường của cuộc đời, tu tập để có thể được Giác Ngộ, Giải Thoát.
Câu đầu tiên trong 10 lời răn của đức Phật nói: “Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”. Ban đầu, tôi không hiểu được câu nói đó tại sao lại như thế? Nhưng khi tìm hiểu đạo Phật và thực hành Thiền, tôi đã chiêm nghiệm được nó. Tất cả mọi khổ đau, bất toại nguyện mà tôi đã, đang và sẽ gặp phải đều do chính tôi tạo ra, do sự tham ái, sân hận và si mê ở trong tôi từ trước. Vì thế, tôi khao khát được tự do, được giải thoát khỏi những khổ đau bất toại kia. Và tôi phải học cách tập để chiến thắng bản thân mình, chiến thắng những ham muốn, dục vọng bất chính của mình. Từ đáy lòng, tôi phát nguyện sẽ giữ giới và tu thân để bước trên con đường an lạc, hạnh phúc và giác ngộ, giải thoát.
- Từ việc nghiên cứu Phật pháp, ứng dụng vào thực tiễn, theo anh những triết lý Phật pháp cốt lõi được ứng dụng phổ biến trong kinh doanh hiện nay là gì?
Khi hiểu đạo Phật bạn sẽ hiểu được rằng mọi vấn đề khổ đau là do chính bạn mà ra, không phải yếu tố bên ngoài. Vì thế tôi coi đó là nguyên tắc trong kinh doanh, nếu mình muốn phát triển bền vững thì phải biết cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt, không chạy theo duy nhất mục tiêu lợi nhuận. Tôi hiểu giá trị lâu dài là hình ảnh, thương hiệu nên tôi giữ nó thay vì dễ dàng buông nó khi phải đứng trước lựa chọn lợi nhuận hay thương hiệu.
Tôi cũng truyền cảm hứng đó xuống các nhân viên của tôi để họ có tình yêu trong công việc mà họ đang làm, không nên vì tiền mà họ phải làm việc.
Ví dụ: Bạn phải làm một việc do người khác yêu cầu như lau chùi bụi bẩn và bạn làm nó vì được trả tiền thì bạn sẽ làm nó rất nhanh, rất ẩu với mục đích chỉ để được nhận tiền. Dĩ nhiên hậu quả là bụi bẩn sẽ vẫn còn, có thể bạn sẽ bị yêu cầu làm lại, rồi bạn sinh ra khó chịu, bực bội, bạn làm mạnh tay và thiếu cẩn thận và hậu quả là bạn có thể làm hỏng, vỡ một thứ gì đó. Khi đó bạn bị phạt và phải đền cho vật vỡ hỏng đó. Ngược lại, nếu bạn làm nó với tình yêu thì sao. Nếu bạn dọn nhà của bạn, bạn sẽ làm nó rất cẩn thận, lau từng li từng tí. Khi xong việc bạn cảm thấy rất tự hào vì đã làm được một việc tốt, vì được sống trong môi trường sạch hơn, bạn còn tự thưởng cho mình ấy chứ.
Tôi chia sẻ với nhân viên rằng: công ty này không phải là của tôi mà của chính các bạn, các bạn tạo ra sự thịnh vượng và phát triển của nó, tôi đề nghị nhân viên mình làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Dĩ nhiên tôi cũng có những phần thưởng cho những kết quả và thành tích mà họ làm được, nhưng trên hết tôi mong mỏi ở họ tình yêu và tính trách nhiệm trong công việc họ đang làm. Nếu ai cảm thấy không phù hợp hoặc có nguyện vọng luân chuyển vị trí, tôi luôn sẵn sàng chấp thuận. Tôi liên tục điều chỉnh để bớt mắc lỗi, luôn cố gắng sống tốt bằng việc tích lũy những điều tốt sẽ giúp có các cá nhân và doanh nghiệp phát triển bền vững.
- Lợi nhuận là vấn đề luôn được những người làm kinh doanh quan tâm, đặt nặng. Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng, cần phải điều hòa lợi nhuận của cá nhân và xã hội, của người chủ doanh nghiệp và những người khác… Theo anh, làm sao để hài hòa được lợi nhuận trong kinh doanh theo giáo lý nhà Phật?
Lợi nhuận thường làm mờ mắt những nhà kinh doanh. Nhưng khi người làm kinh doanh được thấm nhuần nhận thức về đạo Phật, họ hiểu luật Nhân - Quả thì họ sẽ rất cẩn thận trước mỗi quyết định. Liệu mình cắt giảm chất lượng cái này xuống thì hậu quả sẽ thế nào, hay mình có nên nói dối khách hàng không? Hay mình có nên cắt bớt phần này của công trình để mình có lãi hơn hay không? Khi luôn tâm niệm giữ giới thì người kinh doanh sẽ không còn coi lợi nhuận là số 1, họ sẽ coi lợi ích là số 1 (Lợi ích tối đa cho người mua, người bán và xã hội).
Ví dụ: Tôi có thành lập một trung tâm đào tạo trong lĩnh vực của tôi – Lĩnh vực Cơ điện công trình. Tôi đặt lợi ích lên hàng đầu:
a. Người học (người mua) phải học được những kiến thức thực tế giúp họ có thể đi xin việc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ họ được giao.
b. Người bán (trung tâm) có được doanh thu tăng trưởng ổn định, gây dựng được thương hiệu trên thị trường đào tạo. Tăng được số lượng học viên được đào tạo và nâng dần vị thế cho trung tâm.
c. Doanh nghiệp sử dụng những học viên đã qua đào tạo của trung tâm (xã hội) thì không cần phải đào tạo lại cho những nhân viên tuyển vào. Các cá nhân đã qua đào tạo có thể hoàn thành tốt những công việc được giao, đảm bảo chất lượng cho công trình và an toàn cho người sử dụng sau này. Như bạn thấy, một công việc kinh doanh nếu nhắm đến tối đa lợi ích sẽ giúp cho công việc ấy phát triển ổn định (nó có thể không bùng nổ quá nhanh, hoặc có thể không làm bạn giàu lên thật nhanh nhưng có hề gì vì mục đích của chúng ta không phải là bùng lên rồi phá sản hay giàu lên rồi mất trắng đúng không?).
- Anh có cho rằng người kinh doanh phải hiểu rõ được luật Nhân – Quả? Tại sao lại như vậy? Bản thân anh đã có những trải nghiệm như thế nào?
Phần lớn mọi người đều đã nghe và biết về Luật Nhân - Quả, nhưng phần lớn mọi người lại làm và hành động theo sự điều khiển của Vô thức (phần sâu trong não bộ kiểm soát hành động của con người). Vì họ còn Tham, Sân, Si nên còn Vô Minh và còn gieo nhiều Nhân xấu rồi để gánh lấy Quả xấu. Vì thế để giải phóng khỏi sự kiểm soát của Vô thức, cần phải thực hành Thiền. Và tôi thấy phương pháp Thiền Vipassana là một phương pháp rất tuyệt vời. Tôi đã thực hành nó và cảm thấy rất nhiều lợi lạc.
Đây là phương pháp thiền tuệ - quan sát các cảm giác trên khắp cơ thể và không phản ứng lại nó (không tỏ ra tham ái hay sân hận). Khi đã đạt đến cấp độ cao, người tu tập sẽ luôn biết được mình đang có những cảm giác gì, có những nguyên nhân nào đang mầm mống khởi lên trong mình. Điều này khiến người tu tập sẽ kịp thời điều chỉnh hành vi để tránh gây ra những nhân xấu qua thân, khẩu, ý.
Nó khác biệt với các phương pháp khác là không phải tụng kinh hay niệm chú, cũng không lần tràng hạt hay quán tưởng đến một vị thần, phật nào cả. Bạn chỉ cần quán vào hơi thở của chính bạn sau đó là quan sát những cảm giác mà bạn đang có trên cơ thể. Nó dựa trên nguyên lý căn bản của đạo Phật nguyên thủy là bạn chỉ cần nương tựa vào chính thân tâm trong sạch của mình, chỉ mình mà thôi.
Bởi việc nương tựa vào một thế lực huyền bí, siêu nhiên nào khác có thể làm bạn trở nên mê tín và phụ thuộc.
- Là một doanh nhân khi phải đối mặt với những áp lực từ công việc, cuộc sống… anh đã ứng dụng Phật Pháp để giái quyết những khó khăn đó ra sao?
Anh Ninh Việt Tú trong lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2012) do Cộng đồng MMI tổ chức
Tôi luôn tâm niệm “Khổ là Bồ đề”, có khổ đau thì mới rút ra được bài học. Vì thế tôi không lảng tránh vấn đề mà bình thản để đối mặt với nó. Hai điều quan trọng cuộc sống mà bạn phải nhận thức và sẽ phải đối mặt là: Khổ, Vô Thường.
Trong công việc có những khó khăn, tôi coi đó là thử thách để mình vượt qua.
Khi ốm đau, tôi coi đó là cơ hội để tôi hiểu hơn về thân xác của mình.
Trong các mối quan hệ xã hội có nhiều điều không thuận tôi coi đó là bài học tốt cho mình.
- Vô ngã là một khái niệm căn bản trong triết lý Phật giáo. Có quan niệm cho rằng: vô ngã là phẩm chất thiết yếu của doanh nhân. Anh đánh giá và phân tích thế nào về quan điểm này?
Cái này khó và rất khó, đặc biệt với doanh nhân. Thường khi doanh nhân có thành công về tiền bạc thì cái Tôi (bản ngã) của họ lại càng lớn. Họ sẽ rất đau khổ khi ai đó động đến cái Ngã đó, họ làm việc không mệt mỏi để vun đắp cho cái ngã kia ngày một to lên. Tôi nghĩ ai đã giác ngộ hoàn toàn về Vô Ngã thì họ sẽ không còn muốn làm kinh doanh nữa. Chắc một ngày không xa tôi cũng sẽ chuyển giao công việc kinh doanh của tôi cho những người phù hợp hơn, tài năng kinh doanh hơn để giúp doanh nghiệp phát triển.
Tất cả chúng ta đều cấu tạo từ các nguyên tử, tế bào nhỏ li ty, nó sinh ra và chết đi hàng tỷ tỷ lần trong một giây, vậy thì làm gì có cái tôi, cái của tôi. Tuy nhiên để hiểu rõ về điều này thì chỉ có thực chứng mới cảm nhận được, nói thêm nữa về Vô Ngã e cũng là thừa. Tôi cũng đang đi trên con đường thực chứng đó nên cũng không hơn gì các bạn.
- Trong kinh Phật, Đức Phật dạy cho một người nông dân về cách sử dụng đồng tiền mà mình kiếm được như sau: Nên chia số tiền mình có được thành bốn phần, một phần dùng để chi tiêu cuộc sống hàng ngày, hai phần kế tiếp dùng để đầu tư sinh lợi, và phần còn lại hoặc để dành hoặc dùng để giúp đỡ người nghèo khó. Anh có thể chỉ ra ý nghĩa rút ra trong đoạn Kinh Phật trên đối với mỗi cá nhân nói chung và người kinh doanh nói riêng?
Tôi không biết câu chuyện đó có chính xác là của đức Phật không nhưng tôi thấy đó là một câu chuyện khôn ngoan về quản lý đồng tiền. Làm kinh doanh là quản lý tiền, nếu không biết quản lý nó thì bạn sẽ mất nó, đầu tư sinh lời sẽ giúp cho tiền đẻ ra tiền giúp người nông dân có thu nhập ổn định hơn. Khi người kinh doanh kiếm được tiền thì bản ngã to lên, để làm giảm nó xuống thì nên chia tiền mình kiếm được cho những người nghèo khó. Người giàu có nhất thế giới Bill Gates là người biết dùng tiền đúng cách, vì vậy các bạn hãy học tập từ ông.
Muốn giỏi tài chính thì phải học từ sách vở và những người thành công về tài chính. Không thể học sinh học hay tu Phật pháp mà giỏi được tài chính. Có nhiều công cụ và cách quản lý nó, nhưng không có cái nào là đúng cho tất cả mọi người, bạn phải tự thử nghiệm cho chính mình.
- Tứ vô lượng tâm (Từ - Bi- Hỷ- Xả) được xem là 4 từ quý giá trong đạo Phật. Theo anh, mỗi CEO cần phải vận dụng Tứ vô lượng tâm như thế nào để có thể thành công và đem lại hạnh phúc cho mọi người và xã hội.
Đó chính là tính cách của những người tu tập đã đạt được những phẩm hạnh tốt.
Từ là lòng yêu thương đến mọi chúng sinh
Bi là sự đồng cảm thương xót đến những số phận không may mắn
Hỷ là vui với sự thành công của người khác
Xả là sự vô tư buông bỏ những thứ không còn thuộc về mình hoặc là sự chia sẻ vật chất với những người khác không phân biệt thân quen.
Thật không dễ để có được những phẩm tính tuyệt vời trên nhưng không có nghĩa là không làm được. Mỗi ngày chúng ta cần thực hành một chút về Thiền và thực hành trong hành vi ứng xử với mọi người, chúng ta sẽ dần thấy được lợi lạc rất nhiều từ 4 Pháp trên. Chúng ta sẽ luôn ngập tràn tình yêu thương và đồng cảm, được mọi người yêu thương, bảo vệ và không còn cảm thấy đố kỵ, ghen tỵ khi người khác giỏi hơn mình, mà thấy vui với thành tích của họ. Chúng ta cũng không còn tham đắm giữ lại những gì không phải là của mình hoặc không còn là của mình.
Một CEO thực hành Tứ vô lượng tâm và có được 4 đức tính trên sẽ không còn cảm thấy áp lực trong công việc. Họ sẽ tràn đầy năng lượng để sống và thăng hoa.
Xin chúc các doanh nhân Việt Nam ngày một phát triển, ngày một hạnh phúc, ngày một thịnh vượng!
Chân thành cảm ơn anh!
Theo http://www.hoclamgiau.vn
Người gửi Winter Sonata
Người gửi Winter Sonata
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét